Du lịch là ưu tiên hàng đầu trong chi tiêu của Gen Z
Theo kết quả khảo sát mới đây của Bank of Ameria, hầu hết giới trẻ đều đang có kế hoạch cho chuyến du lịch dài ngày, sử dụng các dịch vụ đắt tiền hơn và đồng ý chi nhiều tiền hơn trước đây.
Mới đây, qua một cuộc khảo sát 1.000 người thuộc khu vực APEC do Marriott Bonvoy thực hiện nhằm hiểu rõ hơn về hành vi du lịch của thế hệ Millennials (1981-1996) và thế hệ GenZ, cho thấy du lịch vào năm 2024 là ưu tiên hàng đầu của cả hai thế hệ này. Cụ thể, có 73% người có ý định thực hiện ít nhất hai chuyến đi trong 12 tháng tới và 91% dự định chi tiêu ngang bằng hoặc nhiều hơn cho các chuyến đi của họ so với năm trước.
Đồng thời, kết quả khảo sát còn cho thấy thế hệ Millennials và GenZ đang có định hướng rõ ràng về việc chuyển các giá trị từ chi tiêu hàng ngày của mình vào những trải nghiệm du lịch bổ ích. Bởi hầu hết bạn trẻ đều cho biết sẽ sẵn sàng giảm chi tiêu trong việc ăn uống bên ngoài (60%), mua sắm thoải mái (57%) và cà phê hàng ngày (54%) để có thể chi nhiều hơn cho kỳ nghỉ hè.
Du lịch là ưu tiên hàng đầu của thế hệ Millennials (1981-1996) và thế hệ GenZ. Ảnh: Holly Mandarich
Cũng theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường PMG, có đến 65% GenZ và 72% thế hệ Mellennials sẽ mạnh tay chi tiêu cho chuyến du lịch nghỉ dưỡng, trong đó khách sạn được cho là một trong những yếu tố quan trọng mà họ chấp nhận đầu tư thêm tiền du lịch. Trong khi khả năng chi tiêu cho du lịch ở các thế hệ còn lại là Gen X (1965-1989) chiếm khoảng 54% và Baby Boomer (1943-1964) là 40%.
Nhiều bạn trẻ cũng cho biết họ không muốn phải dời chuyến đi đến nơi mình muốn vô thời hạn chỉ vì tiết kiệm, bởi đại dịch Covid 19 đã hình thành cho họ nỗi sợ các sự kiện xảy ra bất ngờ trong tương lai có thể dẫn đến tình trạng phong tỏa, hạn chế đi lại. Vì vậy, Gen Z quyết tâm dành nhiều thời gian để tìm cách du lịch với chi phí tối ưu nhất trong dịp cao điểm hè thay vì cứ tạm hoãn. Là thế hệ giỏi về công nghệ, họ sử dụng các ứng dụng để so sánh giá cả, đổi điểm thẻ tín dụng thành tiền mặt, kiếm thêm công việc làm thêm để hỗ trợ cho chuyến đi.
Gen Z quyết tâm dành nhiều thời gian để tìm cách du lịch với chi phí tối ưu nhất trong dịp cao điểm hè. Ảnh: Balkan
Cũng theo khảo sát của công ty dịch vụ tài chính Brankrate, nếu như các thế hệ trước chỉ đi du lịch sau khi đã có một mức thu nhập nhất định, thì thế hệ Gen Z lại sẵn sàng đi du lịch khi đang có mức thu nhập ít hơn 50.000 USD mỗi năm. Với khoản tài chính không mấy khả quan, khoảng 42% người trẻ đã có dự định mượn tiền để chi trả cho chuyến du lịch hè.
Trong đó có 4 phương thức mà Gen Z thường chọn là 26% dùng thẻ tín dụng rồi trả góp; 8% áp dụng hình thức “mua trước, trả sau”; 6% mượn từ người thân, bạn bè; 5% chọn các khoản vay tiền mặt cá nhân… Chính tâm lý sẵn sàng mượn để đi du lịch của thế hệ trẻ khiến các thế hệ đi trước lo lắng bởi lãi suất tín dụng đang ở mức cao kỷ lục.
Dẫu là vậy nhưng nó vẫn không thể ngăn cản Gen Z quyết tâm đi du lịch. Bên cạnh đó, thế hệ Gen Z cũng có xu hướng du lịch theo kiểu trải nghiệm phiêu lưu, trải nghiệm văn hóa và những trải nghiệm tốt cho sức khỏe tinh thần. Họ mong muốn được đi tới những nơi họ chưa từng đặt chân và đi du lịch trong một thời gian dài. Đồng thời du lịch cũng là một cách để thế hệ này kết nối với thiên nhiên, các nền văn hóa khác nhau và chính bản thân họ.