Vịnh Hạ Long - nơi quy tụ nhiều hang động đẹp ở Việt Nam

Vịnh Hạ Long là một quần thể danh lam thắng cảnh trên biển thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nơi đây nổi tiếng với hệ thống các hang động tự nhiên đẹp, độc đáo và tráng lệ. Vì vậy, khi đến với vịnh Hạ Long, bạn đừng bỏ qua việc khám phá các hang động trên vịnh để thấy được nét đẹp của từng hang động và những câu chuyện thú vị có liên quan.

Vịnh Hạ Long nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, thuộc địa phận của tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 1.553 km2 bao gồm 1.969 hòn đảo (trong đó 980 hòn đảo đã có tên). Vịnh Hạ Long đã vinh dự hai lần đươc UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và 2000 với giá trị về cảnh quan tự nhiên và địa chất, địa mạo. Niềm tự hào của Quảng Ninh và Việt Nam cứ thế nhân lên khi một lần nữa vịnh Hạ Long vượt qua 200 kỳ quan từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ lọt vào top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới năm 2011.

Hang động trên vịnh Hạ Long rất phong phú và đa dạng, đến nay đã phát hiện khoảng 60 hang động, trong đó có 49 hang động nằm trong khu vực được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Các hang động trên vịnh thường dài từ vài chục đến vài trăm mét, phân bố ở các tầng độ cao so với mực nước biển hiện tại: tầng 1: cao 3 - 4m; tầng 2: cao 5 - 15m; tầng 3: cao 25 - 50m. Tương ứng với 3 tầng độ cao trên, các nhà khoa học đã chia hang động vịnh Hạ Long thành 3 nhóm chính: Hang hàm ếch biển, Hang nền karst cổ và Hang ngầm cổ. Các hang động được hình thành do quá trình hòa tan, ăn mòn, rửa lũa đá vôi. Ban đầu nước mưa chảy theo những khe nứt vỡ của đá vôi (được tạo ra do chuyển động kiến tạo phát sinh đứt gẫy), cứ như thế, các khoảng trống của khe nứt ngày càng được mở rộng do quá trình ăn mòn hoá học của nước mưa và dần hình thành nên hang động. Các hang động trở nên sinh động hơn là nhờ hệ thống các khối thạch nhũ phát triển đa dạng, có giá trị thẩm mỹ và giá trị khoa học như tường đá, măng đá, nhũ đá, rèm đá,… Có thể nói, hang động là một trong những yếu tố cấu thành nên giá trị di sản của vịnh Hạ Long.

Hang Sửng Sốt

Hang Sửng Sốt toạ lạc trên đảo Bồ Hòn, nằm ở khu vực trung tâm của Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long. Hang Sửng Sốt được người Pháp phát hiện vào năm 1901 và đặt tên là "Grotte de la surprise" - hang động của sự ngạc nhiên, sửng sốt. Đây là một trong những hang động rộng và đẹp nhất của vịnh Hạ Long. Hang được chia làm hai ngăn chính. Toàn bộ ngăn đầu trông giống như một nhà hát lớn. Trần hang được phủ bằng một lớp "thảm nhung" óng mượt với vô số "chùm đèn" bằng nhũ đá rực sáng. Tiếp đến là ngăn thứ hai với một không gian hoàn toàn mới. Những hình thù độc đáo và kỳ lạ của hệ thống nhũ đá trên trần hang đã khơi dậy nên nhiều trí tưởng tượng như cây đa, hình tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa, hình ảnh lũy tre làng,...

Ngay cạnh lối ra vào là nhũ đá có hình con ngựa và một thanh gươm dài. Truyền thuyết xưa kể rằng, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng đã giúp dân chúng ở đây đánh đuổi yêu ma. Khi dẹp loạn xong, Thánh Gióng bay về trời, để lại thanh gươm và con ngựa quý nhằm trấn an dân chúng, xua đuổi yêu ma. Hiện nay, trong hang còn nhiều hình ảnh tự nhiên dường như là những dấu tích của trận chiến ác liệt đó.

Hang Đầu Gỗ

Hang Đầu Gỗ là một hang động đá vôi thuộc quần thể thắng cảnh vịnh Hạ Long. Hang nằm ở độ cao 27m so với mực nước biển, có diện tích khoảng 5.000m2 với phần cửa hang rộng 17m, cao 12m. Các nhà khoa học cho rằng hang được hình thành cách đây khoảng 2 triệu năm, cùng thời điểm với động Thiên Cung cách đó chỉ 300m. So với những hang động khác trên vịnh, hang Đầu Gỗ được thiên nhiên ưu ái hơn với hệ động thực vật phong phú cùng kiến trúc đồ sộ, hùng vĩ. Cái tên "Đầu Gỗ" bắt nguồn từ nhiều sự tích khác nhau, một trong số đó là: trong cuộc chiến chống quân Mông Nguyên ở thế kỷ 13, Trần Hưng Đạo là tướng tổng chỉ huy đã cho cắm cọc để tiêu diệt thuyền của giặc. Chính nhờ sách lược thông minh này đã tạo nên chiến thắng vang dội, giúp giữ vững bờ cõi non sông. Sau đó, trong hang vẫn còn sót lại nhiều cọc gỗ nên người dân ở đây đặt tên là hang Đầu Gỗ, đọc chệch đi từ giấu gỗ. 

Hang được chia làm 3 ngăn chính. Ngăn ở phía ngoài có hình vòm cuốn nên đón được nhiều ánh sáng tự nhiên. Trên trần hang là những khối măng đá và nhũ đá với nhiều hình dạng khác nhau. Bước sang ngăn thứ hai, bạn sẽ phải trầm trồ trước vẻ đẹp huyền ảo của những tia nắng len lỏi vào hang, phác họa nên những chùm hoa đá lúc ẩn lúc hiện,... Tới ngăn thứ ba của hang Đầu Gỗ, lòng hang lại đột ngột mở rộng. Tận cùng của hang là một chiếc giếng tiên nước ngọt, mặt nước luôn trong vắt suốt bốn mùa. Điểm nổi bật tại đây là những chiếc cột sừng sững được mài dũa tinh tế bởi bàn tay của tạo hóa.

Trong tạp chí Merveille de Monde – một tạp chí về du lịch của Pháp (xuất bản năm 1938) đã có bài đăng nhắc đến hang Đầu Gỗ. Khi giới thiệu, người ta đã vinh danh hang động này là Grotte des Merveilles (động của các kỳ quan). Điều này một lần nữa đã khẳng định vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có của danh thắng này.

Hang Trống và Hang Trinh Nữ

Hang Trống và hang Trinh Nữ nằm trên đảo Bồ Hòn, hai hang động này nằm đối diện nhau, cách khoảng 700m.

Theo truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa ở làng vạn chài có một cô gái rất xinh đẹp. Vì nhà nghèo, gia đình cô phải đi làm thuê cho một tên địa chủ trong vùng. Hắn thấy cô gái dễ mến thì bèn ép gả làm vợ bé nhưng cô không chịu vì đã có người yêu. Chàng trai khi đó đang ra khơi đánh cá để chuẩn bị cho đám cưới của hai người. Vì không thuyết phục được, tay địa chủ này đã đày cô ra đảo hoang. Trải qua đêm mưa bão cùng với cái đói, cô gái đã kiệt sức và bị hoá đá. Nơi cô hoá đá về sau được gọi là hang Trinh Nữ. Còn về phần chàng trai, sau khi nghe tin người yêu mình bị đày đến hoang đảo thì vội vã trở về tìm. Trong đêm giông bão, con thuyền của chàng trai bị vỡ nát. Chàng dạt vào một đảo hoang và nhìn thấy hình ảnh người yêu mình vẫy gọi. Chàng trai dùng hòn đá đập vào vách núi để báo rằng mình đã đến. Gõ đến khi hai bàn tay đầm đìa máu, kiệt sức rồi chàng cũng hoá đá tại nơi mà sau này người ta đặt tên là hang Trống. Vào những ngày mưa bão, khi đi ngang qua nơi này, người dân nghe thấy tiếng gió đập vào vách hang như tiếng trống. Họ cho rằng đó là tượng trưng cho tình yêu, cho lời hẹn thề của đôi lứa.

Điều ấn tượng nhất của hang Trinh Nữ là ngay phía sau cửa hang là hình ảnh người con gái nằm tóc, mắt hướng ra khơi xa, buồn rười rượi.

 

Hang Trống nằm đối diện với hang Trinh Nữ, có cửa thông nhau. Trên trần hang là những chùm thạch nhũ màu trắng bạc cùng bức tượng đá một chàng trai đứng hướng mặt về phía hang Trinh Nữ. Khi những tia sáng len lỏi vào bên trong, hang Trống trở nên đẹp đến diệu kỳ. Cùng lúc đó, tiếng gió biển lùa vào trong các kẽ đá, vang vọng khắp hang động, tạo nên một bản nhạc du dương đầy mê say.

 Hang Mê Cung

Hang Mê Cung nằm trên đảo Lờm Bò, cao 25m so với mực nước biển. Hang Mê Cung có cấu trúc địa hình rất phức tạp, bao gồm nhiều cấp, nhiều ngăn, nhiều ngách trải trong phạm vi mái đá với một hành lang dài hơn 100m, cao dần về phía tây. Đi vào bên trong hang, bạn sẽ có cảm giác như đang bước vào cung điện của các vua chúa ngày xưa. Ở phía bên ngoài hang động, ngoài các trầm tích lịch sử, trên đảo Lờm Bò còn có các loài cây cổ thụ già nua soi bóng nước hồ Mê Cung trong xanh, phẳng lặng. Nơi đây cũng là nơi sinh sống của các loài chim, thú như khỉ, kỳ đà,…

Động Thiên Cung

Nằm ở phía Tây Nam của vịnh Hạ Long, động Thiên Cung tọa lạc ở phía Bắc của đảo Đầu Gỗ và gần kề với hang Đầu Gỗ. Đây là một trong những hang động đẹp nhất của vịnh Hạ Long và được ví như thiên đường ở dưới lòng đất. Động có diện tích hang rộng gần 10.000m2, có cấu trúc bao gồm nhiều cấp, nhiều ngăn với vô vàn khối thạch nhũ đá vôi và măng đá có hình thù kỳ lạ, độc đáo.

 

Động được đặt tên là Thiên Cung là vì trong động có một lớp lân tinh phát ra ánh sáng huyền ảo như cung điện nhà trời trong truyền thuyết. Đồng thời, trong động có một cửa hang thông với bầu trời, khi ánh nắng soi vào thì cảnh sắc bên trong hiện lên vô cùng lộng lẫy, kỳ ảo.

Động Kim Quy

Động Kim Quy toạ lạc trên hòn Dầm Nam, nằm trên độ cao 187m so với mực nước biển. Tại đây, hướng tầm mắt ra phía trước sẽ nhìn thấy hòn Dầm Bắc, quay lại phía sau là đảo Soi Sim của vịnh Bái Tử Long. Diện tích của động vô cùng rộng lớn, kích thước lên tới 100m chiều dài và 10m chiều rộng. Lịch sử hình thành của động còn gắn liền với sự tích về thần Kim Quy - Rùa Vàng.

Bên trong động là những khối nhũ thạch đá màu trắng nõn, mềm mại được bồi tụ qua hàng trăm năm. Những phiến nhũ đá như một tấm rèm khổng lồ từ trần động đang duyên dáng rủ xuống. Tất cả tạo nên một khung cảnh huyền ảo, đẹp tựa chốn thiên đường. Đi theo một lối mòn vào sâu trong động là những vũng nước nhỏ đang êm đềm chảy róc rách quanh năm. Dòng nước mát lạnh, trong veo đến mức bạn có thể nhìn thấy được cả vân đá đẹp tuyệt được tô vẽ từ bàn tay khéo léo của tạo hóa. Phía trong cùng của động chính là hình ảnh tái hiện trận Bạch Đằng năm xưa với hơn 30 cọc gỗ lim do Hưng Đạo đại vương ra lệnh cắm trên dòng sông Bạch Đằng đã đánh tan quân Mông Nguyên. Những chiếc cọc gỗ lim được tạo ra từ các măng đá vững chắc, màu nâu xám, nhẵn bóng và cao khoảng 30 - 40 cm. Đến với động Kim Quy, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc huyền ảo mà còn được tìm hiểu về trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Tóm lại, những hang động ở vịnh Hạ Long thật sự rất đẹp và ẩn chứa nhiều điều thú vị để khám phá, trải nghiệm. Nếu bạn có kế hoạch đi du lịch Hạ Long trong thời gian tới thì hãy liên hệ ngay với Vietchill để một chuyến đi tuyệt vời nhất!!!

 

 

Bạn đang xem: Vịnh Hạ Long - nơi quy tụ nhiều hang động đẹp ở Việt Nam
Bài trước Bài sau
Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0929 861 777
x